Những “người dẫn đường” thầm lặng trên các tuyến luồng hàng hải - P2
Hơn 300 hoa tiêu, mỗi năm đưa 90 nghìn tàu ra, vào cảng an toàn
Trong những ngày đi cùng hoa tiêu hàng hải để ghi nhận công việc của họ, chúng tôi nhận thấy họ đều giao tiếp với những người làm việc trên buồng lái bằng tiếng Anh. Ông Bùi Đức Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II cho biết: “Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của ngành hoa tiêu bởi theo thống kê tại khu vực Hải Phòng có đến 90% số tàu mà lực lượng hoa tiêu dẫn vào, ra các tuyến luồng hàng hải là tàu nước ngoài. Đối với hoa tiêu, hàng hải, ngoài Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải còn phải có Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải. Ví dụ, hoa tiêu thuộc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II phải nắm rõ “như trong lòng bàn tay” các tuyến luồng hàng hải mà công ty đảm nhận ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định”.
Với gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề hoa tiêu, ông Bùi Đức Hiệp, ông Nguyễn Văn Trung được xếp hạng là hoa tiêu hàng hải ngoại hạng (Cả Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 130 hoa tiêu ngoại hạng). Các hoa tiêu hàng hải bắt buộc phải tốt nghiệp đại học hàng hải chuyên ngành điều khiển tàu biển. Họ phải trải qua quá trình học nghề trong 3 năm để được thi sát hạch trở thành hoa tiêu hàng hải hạng 3 (điều khiển một số loại tàu theo quy định). Để tiếp tục được thi, nâng hạng hoa tiêu cao hơn đòi hỏi phải trải qua những năm tháng làm việc liên tục, luôn học hỏi, cập nhật kiến thức trong nước cũng như ở nước ngoài để từng bước nâng hạng lên trình độ hoa tiêu hàng hải hạng 2, hạng nhất và cuối cùng là hoa tiêu hàng hải ngoại hạng. Thời gian để một hoa tiêu từ học nghề tới trình độ hoa tiêu hàng hải ngoại hạng mất khoảng 12 năm làm việc liên tục, nếu không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Đối với hoa tiêu hàng hải ngoại hạng như anh Nguyễn Văn Trung, yêu cầu bắt buộc phải dẫn mọi loại tàu biển ra, vào các tuyến dẫn tàu mà công ty được giao dù đó là loại tàu chở container, chở hàng rời, hóa chất thậm chí cả tàu quân sự… “Mỗi con tàu có đặc tính, thông số kỹ thuật khác nhau, nhiệm vụ của chúng tôi là phải chỉ huy điều khiển được tất cả các loại tàu ra, vào vùng nước cảng biển mà mình phụ trách trong điều kiện luồng lạch chật hẹp, điều kiện thời tiết phức tạp. Có những trường hợp chúng tôi phải chỉ huy điều khiển một con tàu trong điều kiện sương mù dày đặc, tầm nhìn gần như bằng 0. Đặc biệt trong điều kiện mưa lớn, màn hình ra đa gần như phủ đầy tín hiệu nhiễu do mưa gây ra trong khi thực tế trên luồng các phương tiện thủy nội địa, tàu cá của ngư dân đang hành trình xuôi ngược tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm với tàu biển đang hành trình ra vào cảng. Trong những điều kiện làm việc như vậy, thực sự là một khoảng thời gian làm việc hết sức tập trung và căng thẳng đối với hoa tiêu hàng hải. Tuy vậy, nhiều năm qua lực lượng hoa tiêu của chúng tôi luôn bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu ra, vào các tuyến luồng hàng hải mà công ty được giao tuyệt đối an toàn”, ông Bùi Đức Hiệp chia sẻ.
Một ngành nghề đặc thù, chỉ với hơn 300 hoa tiêu nhưng mỗi năm họ đã chỉ huy dẫn khoảng 90 nghìn lượt tàu ra, vào các cảng biển. Ông Lê Ngọc Vinh, thuyền trưởng tàu Pacific Grace chia sẻ: “Chúng tôi điều khiển tàu đi qua rất nhiều cảng trên thế giới, tới cảng nào cũng bắt buộc phải có hoa tiêu dẫn tàu. Hoa tiêu hàng hải chính là những người hiểu nhất về vùng nước cảng biển nơi họ làm việc, họ là những người dẫn đường giúp cho các tàu ra vào cảng an toàn”.
Theo Báo Giao Thông
Các tin khác
- Những “người dẫn đường” thầm lặng trên các tuyến luồng hàng hải - P1
- Lạm dụng đèn khẩn cấp khi qua ngã tư bị xử phạt như thế nào?
- Tại sao phải đăng kiểm xe ô tô theo định kỳ?
- Lái xe không thắt dây an toàn, không bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng và mức phạt đi kèm
- Khi xe đi sai làn đường và mức phạt đi kèm
- Khi xe chạy quá tốc độ cho phép và mức phạt đi kèm
- 6 sai lầm nguy hiểm khiến các lái xe dễ mắc bệnh
- 7 tuyệt chiêu giúp tài xế đường dài không ngủ gật khi lái xe
- Vì sao ít phụ nữ theo nghiệp phi công?
- Những điều cần biết về ghế máy bay hạng thương gia