E - logistics: Đối thủ ngoại khởi chiến - Phần 1
Kể từ 2012, thị trường giao nhận đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp tham gia, từ nhóm có nền tảng bưu điện đến các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ.
Theo Euromonitor, với mức chi tiêu dành cho thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 23% vào năm 2020, Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Đóng vai trò là huyết mạch của thương mại điện tử, chính vì thế kể từ năm 2012 thị trường giao nhận đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp tham gia từ nhóm có nền tảng từ hệ thống bưu điện đến các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ. Mới đây, sự xuất hiện liên tiếp của các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài cho thấy sức nóng trong lĩnh vực này vẫn chưa hạ nhiệt.
Ở Việt Nam, giao hàng thương mại điện tử được chia làm 2 mô hình riêng biệt. Nhóm thứ nhất là giao hàng có độ trễ nhất định, nhanh nhất từ 1-2 ngày đối vớI khách hàng ở TP.HCM và Hà Nội và 3-7 ngày trên toàn quốc.
Doanh nghiệp bán hàng sẽ gửi cho nhân viên giao hàng hoặc tại các điểm ký gửi, hàng sẽ được tập trung về kho của doanh nghiệp giao nhận rồi phân phối đến khách hàng. Đại diện các nhóm này gồm Viettel Post, VNPost, SF Express (Trung Quốc), Giaohangnhanh, LEX (Lazada Việt Nam), Giaohangtietkiem, Ninja Van, Giaohangso1… Nhóm thứ 2 là nhóm giao hàng tức thời, với thời gian giao trung bình từ 1-3 tiếng; nhân viên giao hàng sẽ đến cửa hàng doanh nghiệp lấy hàng và giao thẳng cho khách. Đại diện các nhóm này gồm AhaMove, Delivery Now, GrabExpress (Grab), UberShip (Uber).
Nhu cầu giao nhận được dự đoán sẽ bùng nổ, nhất là khi hầu hết các dòng thuế quan giữa các nước thành viên trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ về 0%, thúc đẩy các hoạt động thương mại. Vì vậy, sức hút của lĩnh vực giao nhận ngày càng hấp dẫn hơn. Giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Deutsche Post DHL (Đức) khai trương dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử Việt Nam DHL eCommerce. “Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ một dịch vụ toàn quốc với nụ cười luôn túc trực”, ông Charles Brewer, Giám đốc Điều hành DHL eCommerce, cho biết.
Ông Charles Brewer có lý do khi nói như vậy, vì chỉ cần làm một cuộc khảo sát nhỏ với các nhóm bán hàng trên Facebook như Lập nghiệp với Shopee, Cộng đồng Shop Sendo.vn…, sẽ dễ dàng nhận ra giao nhận là vấn đề làm đau đầu người bán nhất. Rớt đơn hàng không lý do, nhân viên giao nhận chưa qua lấy hàng, giao hàng trễ hơn cam kết… là những vấn đề thường xuyên được người bán ở các nhóm này trao đổi.
DHL eCommerce được xếp vào nhóm thứ nhất và đơn vị cho biết chưa có ý định tham gia vào nhóm giao hàng tức thời trong thời gian tới. Mặc dù vậy, việc gia nhập thị trường Việt Nam của một doanh nghiệp có tới 80% doanh thu đến từ mảng vận chuyển doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B) như DHL vẫn rất bất ngờ. Theo đó, doanh thu năm 2016 của DHL toàn cầu là 57 tỉ euro, riêng mảng B2B chiếm đến hơn 45 tỉ euro; thương mại điện tử B2C chiếm 20%, khoảng 114 tỉ euro.
Ở Việt Nam, theo ước tính của Euromonitor, doanh thu thương mại điện tử năm 2016 là 1 tỉ USD, doanh thu ngành giao nhận thương mại điện tử trung bình chiếm 10-12%, tương đương 100-120 triệu USD. Vì thế, nếu chỉ tính riêng con số này, Việt Nam khó có thể thu hút khoản đầu tư mới của DHL.
Có thể thấy DHL đang nhìn bức tranh rộng hơn là thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn có thể đạt 3.400 tỉ USD vào năm 2020 với giá trị giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử chiếm 5-8% ước tính đạt 272 tỉ USD. AEC là khu vực khá hấp dẫn khi dân số chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ngân hàng đầu tư Nhật Nomura, doanh thu thương mại điện tử doanh nghiệp – người dùng (B2C) và người dùng – người dùng (C2C) khu vực này sẽ cán mốc 36,1 tỉ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép CARG 34%. Doanh thu mảng giao nhận thương mại điện tử ước tính đạt 7 tỉ USD.
Cũng cần nhắc thêm, không phải chỉ DHL nhận ra sức hấp dẫn của thương mại điện tử xuyên biên giới ở Đông Nam Á. Các công ty Trung Quốc đã sớm nhận ra điều này. Điển hình như Alibaba Group đã khởi xướng mạng lưới giao nhận Cainiao Network toàn cầu từ năm 2013. Mới đây, SF Express, đơn vị được ví là “FedEXTrungQuốc”, cũng đã vào Việt Nam đem theo kỳ vọng hàng hóa từ các trang bán sỉ Trung Quốc sẽ về Việt Nam từ 1-2 tuần so với hơn một tháng như trước đây. Chính vì thế, ngoài Việt Nam, DHL cũng thiết lập dịch vụ ở DHL eCommerce tại Thái Lan, Malaysia để chuẩn bị đón sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới. “Thương mại điện tử Việt Nam hiện chiếm khoảng 1% doanh thu thương mại truyền thống và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, sự có mặt của DHL là đúng thời điểm”, ông Charles Brewer khẳng định.
Những ông lớn ăn bánh nhỏ
Có mặt ở Việt Nam từ năm 1988, DHL có 4 thương hiệu hoạt động là DHL Express, DHL Global, DHL Forwarding, DHL Supply Chain. DHL eCommerce sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng của 4 thương hiệu này. Trước mắt, DHL eCommerce sẽ cung cấp dịch vụ như các công ty giao nhận thương mại điện tử hiện nay, kể cả dịch vụ thu tiền hộ. Đơn vị này hiện có 9 nhà kho và 2 cơ sở phân phối trung tâm trên toàn quốc.
Dù trả lời rất khiêm tốn về tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhưng các hoạt động gần đây của DHL cho thấy sự chuẩn bị khá cụ thể cho xu hướng này. Cách đây không lâu, DHL Express đã khai trương văn phòng giao dịch thứ 12 trên toàn quốc. Theo ông George Berczely, Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam, con số này sẽ tăng trong thời gian tới.
“Một số doanh nghiệp vận chuyển ở Trung Quốc bắt đầu mở rộng thị phần sang các nước khác. Nhưng chúng tôi vẫn có thế mạnh của mình. DHL là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất có thể chuyển hàng từ ASEAN đến Bắc Mỹ, Canada trong một ngày. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng là một trong số ít các đơn vị giao nhận sở hữu chuyến bay thẳng từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại mỗi ngày, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ”, ông George nói.
Người Đức rất tự tin với tiềm năng của mình trong lĩnh vực giao nhận ở Việt Nam bởi họ là một trong những công ty cung cấp dịch vụ hậu cần hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT, năm 2015, trong 3 mảng hoạt động khai thác cảng, vận tải và điều phối logistics, thì mảng hoạt động điều phối logistics có rào cản gia nhập vào thị trường nội địa thấp nhất. Hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao nhất trong mô hình này là dịch vụ xử lý hoàn chỉnh đơn hàng và ứng dụng thuật toán dự phóng nhu cầu hàng hóa. Thực tế chưa có nhiều công ty trong nước cung cấp, 80% thị trường điều phối logistics nằm trong tay các công ty nước ngoài như DHL Logistics, DB Schenker, FedEX…
Không những thế, nhóm này còn đi tiên phong trong mảng 3PL (dịch vụ logistics bên thứ ba – thuật ngữ chỉ việc đưa các hoạt động quản lý nguyên vật liệu, lưu kho, vận tải, phân phối cho các công ty logistics quản lý). Với chi tiêu thương mại điện tử dự kiến tăng khoảng 23% mỗi năm từ nay đến năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao hơn bao giờ hết để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Tuy nhiên, giao nhận thương mại điện tử, thị trường rất sôi động ở Việt Nam trong thời gian qua, chỉ là phần nhỏ trong hoạt động điều phối logistics. Trong khi đó, để cạnh tranh với nhóm ngoại không đơn giản chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy mô thị trường lớn, kiến trúc tài chính tốt, mạng lưới hạ tầng mạnh, hệ thống quản lý ổn định và quan trọng nhất là có giá tốt nhất cho khách hàng. Ở Việt Nam, chỉ một số công ty có thể cạnh tranh với nhóm ngoại, điển hình như Minh Phương Logistics, đơn vị vừa lập liên doanh với Samsung SDS (Samsung Hàn Quốc).
Ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Điều hành Công ty Giao Hàng Nhanh, cho rằng, sự xuất hiện của SF Express (Trung Quốc) chưa ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, cả SF Express sẽ chuyển hàng về đến đầu Việt Nam và giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực trong nước phân phối. Lo ngại về mức độ bành trướng của DHL trước mắt cũng tương tự. Khi thị trường chín muồi, cả hai mới bắt đầu vận hành bộ phận hậu cần thương mại điện tử riêng.
CÔNG TY CP TM VẬN TẢI CON MÈO:
- 36B Út Tịch, Phường 4, Quận Tân Bình, TP.HCM
- Tổng đài: 1900 545 549
- Fax: (+84) 028 3948 7072
- Hotline: 0916 066 264 (nội địa) – 0932 052 567 (quốc tế)
- Email: info@conmeo.net hoặc cat.carry2016@gmail.com
Xem thêm:
Các tin khác
- Bất kỳ lúc nào - Bất cứ nơi đâu - Khi cần là có - Đó là Cat Carry
- Cần giao hàng nhanh - Ngại gì không chọn Cat?
- Giao nhiều đơn hàng - Muôn cách dễ dàng
- Ship xê-ô-đê (COD) - Chủ shop mê - CAT cũng ô-kê
- Hàng to không khó - Để đó Cat lo
- Chỉnh chu từng kiện hàng - Rõ ràng từng chi tiết
- Cat Carry thông báo lịch nghỉ tết Nguyên Đán 2023
- Cat Carry thông báo nghỉ Tết Dương Lịch 2023
- Cat Carry thông báo lịch nghỉ lễ Quốc Khánh 2022
- FCA là gì? Điều kiện giao hàng FCA trong xuất nhập khẩu