Hiện đại hóa công tác quản lý kho bãi, địa điểm: Cần tính đến bối cảnh thực tế

Để khuyến khích phát triển dịch vụ logistics trong nước, cũng như tính đến những điều kiện khó khăn của các DN hiện nay, mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Nghị định 68/2016/NQ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra giám sát hải quan.
 

Hầu hết kho bãi, địa điểm đã đáp ứng điều kiện


Theo Bộ Tài chính, để công tác quản lý kho bãi địa điểm được hiện đại, chuyên nghiệp và chặt chẽ, giảm thời gian, hệ thống giấy tờ báo cáo, Nghị định 68/2016/NĐ-CP đã quy định diện tích tối thiểu để tránh tình trạng manh mún. Theo đó, yêu cầu vị trí nằm tại các khu vực cảng, cửa khẩu, khu công nghệ để vừa định hướng quản lý tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại vào kiểm tra, giám sát của hải quan, vừa tạo thuận lợi trong việc hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
 

Để có thời gian chuẩn bị, Nghị định 68/2016/NĐ-CP cho phép các DN kinh doanh kho bãi, địa điểm thời gian 1 năm kể từ 1/7/2016 để mở rộng diện tích, trang bị kho chứa tang vật vi phạm, nơi làm việc của cơ quan Hải quan, nâng cấp hệ thống camera giám sát, xây dựng phần mềm quản lý có khả năng kết nối với cơ quan Hải quan. Đến thời điểm hiện nay, các DN đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin. Theo đó, 100% DN đã theo dõi hệ thống nhập-xuất-tồn hàng hóa bằng máy tính, 100% kho bãi, địa điểm đã đảm bảo nơi làm việc cho cơ quan Hải quan, 100% DN có hệ thống camera giám sát.

Tuy vậy, đối với một số tiêu chí về vị trí thành lập và diện tích tối thiểu vẫn có những địa điểm, kho bãi chưa đáp ứng điều kiện. Theo rà soát của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), tính đến thời điểm 1/7/2017, trên phạm vi cả nước có 338 kho bãi, địa điểm đang hoạt động. Tính tổng hợp tất cả các tiêu chí có 326/338 (tương đương 96,4%) DN đáp ứng các quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP, trong đó hầu hết là DN có vốn đầu tư nước ngoài, với tiềm lực tài chính lớn, đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ logistics và một số được công nhận mới; 12/338 (tương đương 3,6%) DN còn lại chưa đáp ứng về vị trí hoặc diện tích.
 

Chẳng hạn, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP: Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000m2 trở lên. Đối với kho ngoại quan chuyên dùng để lưu giữ một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt thì phải có diện tích tối thiểu 1.000m2 hoặc thể tích chứa hàng tối thiểu 1.000m2. Riêng đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng phải có diện tích tối thiểu 1.000m2. Bãi kho ngoại quan chuyên dùng phải có diện tích tối thiểu 10.000m2, không yêu cầu diện tích kho.
 

Trên thực tế, theo rà soát của Tổng cục Hải quan, có 4/146 kho ngoại quan có kho chứa hàng 1.000m2 nhưng chưa đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu 5.000m2. Tuy nhiên, cả 4 kho đều đã có diện tích kho chứa hàng trên 1.000m2 theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP, chỉ thiếu diện tích bãi và công trình phụ trợ.
 

Về địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP, phải có diện tích tối thiểu từ 50.000m2 trở lên. Trên thực tế, có 3/14 địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn không đủ điều kiện diện tích theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP.

 

Về địa điểm kiểm tra đối với hàng chuyển phát nhanh, theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh nằm trong quy hoạch khu vực sân bay quốc tế theo quy định của pháp luật và có diện tích tối thiểu 5.000m2. Hiện có 3/6 địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh không đủ điều kiện diện tích tối thiểu và vị trí nằm tại khu vực sân bay theo quy định…

Đề xuất cho thêm thời gian


Để xử lý đối với các trường hợp kho bãi, địa điểm chưa đáp ứng một phần các tiêu chí quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý.
 

Theo Bộ Tài chính, việc hiện đại hóa công tác quản lý kho bãi, địa điểm là cần thiết và cấp thiết, tuy nhiên, để khuyến khích nền sản xuất và phát triển dịch vụ logistics trong nước, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ cần xem xét lộ trình cũng như điều kiện khó khăn hiện nay.
 

Bộ Tài chính kiến nghị, đối với trường hợp các kho ngoại quan được thành lập trước thời điểm Nghị định 68/2016/NĐ-CP có hiệu lực, hiện đang hoạt động, có kho chứa 1.000m2 và đáp ứng đủ các điều kiện về vị trí, nơi làm việc của cơ quan Hải quan, kho chứa hàng vi phạm, lưu trữ hình ảnh camera giám sát và phần mềm quản lý hàng hóa xuất-nhập-tồn kết nối với cơ quan Hải quan nhưng không thể mở rộng do hạn chế về quỹ đất thì Thủ tướng cho phép được tiếp tục hoạt động.
 

Đối với 3 địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn không đủ điện tích tối thiểu 50.000m2, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hai trường hợp tiếp tục hoạt động là ICD Mỹ Đình và ICD Gia Thụy đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định di chuyển đến vị trí mới, do các ICD này đã có kế hoạch di chuyển đến địa điểm khác. Riêng đối với trường hợp ICD Thụy Vân thuộc Công ty TNHH Vận tải Duyên hải Phú Thọ, Bộ Tài chính kiến nghị gia hạn hoạt động đến hết năm 2018, quá thời hạn trên DN chưa mở rộng hoặc di chuyển thì chấm dứt hoạt động theo quy định.

Về 3 địa điểm kiểm tra hàng chuyển phát nhanh không nằm trong quy hoạch khu vực sân bay và không đủ diện tích tối thiểu tại sân bay quốc tế Nội Bài, Bộ Tài chính cho biết, sẽ khuyến khích các đơn vị đầu tư địa điểm kinh doanh đảm bảo yêu cầu theo quy định. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho phép các DN được tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, với các kho hàng không kéo dài không đáp ứng yêu cầu về vị trí, Bộ Tài chính kiến nghị cho phép tiếp tục hoạt động đến thời điểm hết năm 2018, quá thời hạn trên DN vẫn chưa di chuyển đến vị trí mới thì chấm dứt hoạt động theo quy định. 


Theo rà soát của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tính đến thời điểm 1/7/2017, trên phạm vi cả nước có 338 kho bãi, địa điểm đang hoạt động gồm: 146 kho ngoại quan; 34 địa điểm thu gom hàng lẻ; 78 địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa XK, NK tập trung; 37 cửa hàng miễn thuế; 18 kho xăng dầu; 6 địa điểm chuyển phát nhanh; 4 kho hàng không kéo dài; 14 địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn và 1 kho bảo thuế do 22/35 cục hải quan các tỉnh, thành phố quản lý. Trong đó có 42/338 kho bãi địa điểm được thành lập sau thời điểm Nghị định 68/2016/NĐ-CP có hiệu lực.


Theo Báo Hải Quan

CÔNG TY CP TM VẬN TẢI CON MÈO:

- 36B Út Tịch, Phường 4, Quận Tân Bình, TP.HCM
- Tổng đài: 1900 545 549
- Fax: (+84) 028 3948 7072
- Hotline: 0916 066 264 (nội địa) – 0932 052 567 (quốc tế)
- Email: info@conmeo.net hoặc cat.carry2016@gmail.com

Tin Tức nổi bật

Tuyển dụng cộng tác viên tỉnh 2018

Xem thêm »

Ga hành khách quốc tế Cam Ranh sẽ khai thác bước đầu vào quý 2/2018

Xem thêm »
Gọi điện SMS Chỉ đường